Được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 02/2019, cảng Gemalink là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, và là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT.
Được khai thác đúng thời điểm, giải quyết bài toán khó của thị trường
Giai đoạn gần đây, khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải gặp một bài toán khó là tình trạng kẹt cầu bến tại các cảng có khả năng tiếp nhận cỡ tàu lớn. Lý do đến từ tốc độ tăng trưởng hàng hoá nhanh bình quân 20%/năm tại khu vực và xu hướng các hãng tàu gia tăng kích cỡ tàu để giảm chi phí khai thác.
Do đó, việc cảng Gemalink được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 1, 2021 đã giải quyết được thực trạng trên, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các hãng tàu và khách hàng XNK. Bên cạnh đó, hoạt động của cảng Gemalink cũng giúp nâng cao tính cạnh tranh và cắt giảm chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam đến với thị trường trên khắp thế giới.
Ảnh: Tàu CMA – CGM cập bến tại Cảng Gemalink
Ví trị đắc địa, năng lực xếp dỡ cao
Cảng Gemalink được đặt tại khu vực hạ lưu sông Cái Mép, nằm ngay cửa sông với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu.
Tổng chiều dài cầu bến toàn dự án là 1.500m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng. Trong giai đoạn 1, cảng khai thác 800m cầu bến chính, đảm bảo tiếp nhận cùng lúc 2 tàu mẹ và 230m bến dành cho tàu feeder và sà lan, trên diện tích 33 ha.
Năng lực xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEUs/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEUs/năm.
Chú trọng đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại
Cảng Gemalink được trang bị thiết bị hiện đại gồm 6 cẩu STS, 18 cẩu RTG, giàn cẩu phục vụ tàu Feeder, xe nâng và các trang thiết bị làm hàng tối tân khác. Giàn cẩu E-RTG của Gemalink được sản xuất bởi Konecranes (Thụy Điển), tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị nâng hạ (Lifting Businesses). Thuộc thế hệ hiện đại nhất thế giới, sở hữu những tính năng ưu việt, với sức nâng dưới khung cẩu lên đến 41 tấn, giàn cẩu giúp tối ưu hóa năng suất làm hàng và đủ linh hoạt để cẩu có thể hoạt động an toàn, chính xác.
Hệ thống quản lý và điều khiển tự động giúp vận hành toàn bộ quá trình bằng trí tuệ nhân tạo, bao gồm bốc dỡ container, vận chuyển theo phương ngang, sắp xếp sân bãi. Thế hệ cẩu E-RTG của Gemalink sử dụng 100% điện lưới (Full electric), được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại.
Ảnh: Toàn cảnh cảng nước sâu Gemalink
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, mọi hoạt động theo dõi, quản lý khai thác, phối hợp giữa tuyến tiền phương và hậu phương của cảng được thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng và chuẩn xác.
Ngoài ra, cảng Gemalink còn có bến chuyên dụng cho tàu feeder và sà lan kết nối khu vực TP.Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Campuchia…
Với những lợi thế như vị trí thuận lợi, năng lực xếp dỡ lớn cùng trang thiết bị tiên tiến, cảng Gemalink hoàn toàn đủ điều kiên đáp ứng tiêu chí trở thành cảng trung chuyển tập trung lớn của thế giới.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn