Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất nông sản và thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất hàng sang Trung Quốc.
Theo đánh giá của TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam, Bộ NN&PTNT), Trung Quốc đang tạo nên sự thay đổi lớn liên quan đến thị trường nhập khẩu từ nước ngoài. Thị trường này đang đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, chứ không còn “dễ tính” như trước.
Kể từ đầu năm 2021, đã có hơn 40 thông báo từ nước này về thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Trong đó, có hai quy định đáng chú ý là Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.
Bộ Công Thương phân tích theo Lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc. Tại Lệnh 249, Hải quan Trung Quốc yêu cầu đánh giá sự phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia, sử dụng nguyên liệu mới, thay đổi về yêu cầu ghi nhãn. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất…
Ảnh: Có nhiều thay đổi về quy định hàng xuất khẩu sang Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì trước thay đổi này?
Theo chuyên gia trong ngành, trước hàng loạt những quy định mới này, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định như họ đang làm khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Đồng thời, doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, cũng như chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc. Nếu không đảm bảo thực hiện đúng các Lệnh yêu cầu, doanh nghiệp có thể bị thu hồi hàng hoặc phạt nặng. Trong đó, phía Hải quan Trung Quốc đưa ra quy định phạt tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 36 triệu đồng) cho việc kê khai hồ sơ không đúng theo quy định.
Hơn nữa, theo quy định mới, từ ngày 1/1/2022, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng xuất khẩu sẽ không được thông quan. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ để kịp thời gian.
Bà Hồ Thị Ngọc, Phó tổng giám đốc đối ngoại và hợp tác quốc tế, Công ty CP Đầu tư thương mại XNK phân phối Sun Hee DC Group (đơn vị kết nối thương mại các thị trường) nhận định: “Trung Quốc đang nâng mức độ kiểm soát an toàn thực phẩm từ vườn trồng đến bếp ăn, trong khi xuất khẩu của Việt Nam từ trước đến nay đường tiểu ngạch chiếm ưu thế, doanh nghiệp chỉ cần quan tâm đến đàm phán được đơn hàng. Bởi vậy, việc xây dựng một quy trình đúng chuẩn không dễ và cần có lộ trình. Đặc biệt, cần có sự hướng dẫn cụ thể và kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước”.
Nguồn: baogiaothong.vn, laodong.vn