VNR và Ratraco hợp tác Maersk Lines để vận chuyển hàng đi châu Âu bằng đường sắt

0
562
(ThacsiLogistics.vn) Thời gian qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải dừng hoàn toàn các đôi tàu khách, chuyển hướng sang vận tải hàng hóa trong nước và liên vận quốc tế. Điều này bước đầu đem lại nguồn thu trợ lực, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
 
Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco), đơn vị thành viên của VNR đã tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container từ ga Yên Viên chạy thẳng đến TP Liege (Bỉ), sau đó chuyển tiếp bằng đường bộ đến điểm đích TP Rotterdam (Hà Lan), mở ra một hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công.
 
Trên hành trình chuyên chở hàng hóa sang châu Âu, tàu qua Trịnh Châu và kết nối toàn bộ 23 toa xe chở container vào đoàn tàu Á – Âu của Trung Quốc để đi tiếp sang Kazakhstan, qua các nước Nga – Belarus – Ba Lan – Đức rồi vào Bỉ. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến toàn bộ hành trình Việt Nam – Bỉ khoảng 25 ngày. Để thiết lập đoàn tàu chở hàng liên vận quốc tế qua nhiều nước đòi hỏi nhiều thủ tục như tiêu chuẩn thiết bị vận chuyển, vỏ container phải đạt chuẩn quốc tế. Trước đây, đường sắt Việt Nam và Trung Quốc hợp tác vận chuyển liên vận, toàn bộ thiết bị vận chuyển và vỏ container do Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam, nhưng từ giữa tháng 10/2020, khi xảy ra tình trạng thiếu vỏ container, đường sắt Trung Quốc ngừng cấp vỏ container cho Việt Nam. VNR và Ratraco đã hợp tác hãng tàu biển Maersk Lines (Đan Mạch) để vận chuyển hàng đi châu Âu, Maersk Lines cam kết cung cấp vỏ container để đóng hàng và hỗ trợ các điều kiện hậu cần khác.
 
Tổng Giám đốc Ratraco Trần Thế Hùng cho biết, đơn vị đã làm việc với các đối tác để thời gian tới có thể tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến đến các điểm đến mới như: Tây An, Hạ Môn,… (Trung Quốc), từ đó có thể đi tiếp đến các điểm đích ở châu Âu. “Việc kết nối đường sắt châu Âu thông qua đường sắt Trung Quốc giúp hàng hóa hai chiều xuất – nhập khẩu lưu thông tốt hơn, nhất là hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, các doanh nghiệp đi đường biển, mất nhiều thời gian, nay có thêm lựa chọn mới là đường sắt với giá cước cũng hợp lý, thuận lợi vận chuyển hàng xuất khẩu, thời gian rút ngắn hơn”, ông Hùng nhận xét.
 
Theo tính toán của các chuyên gia, trên cung đường đi châu Âu, đường sắt Việt Nam có cự ly ngắn, cho nên lợi ích thu về từ việc cho thuê hạ tầng cũng không nhiều so với các nước. Việc thành lập đoàn tàu chở hàng từ Việt Nam đi Bỉ mang lại ý nghĩa quan trọng là VNR đã phối hợp các đối tác để xây dựng tuyến vận tải mới, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế cũng như tiếp tục xây dựng chuỗi dịch vụ cung ứng vận tải liên vận quốc tế ngày càng bền vững và cạnh tranh hơn. Đồng thời, tuyến đường sắt container đang mở ra cho ngành đường sắt một trục vận tải mới chuyên tuyến, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt, vì phía Trung Quốc có cơ chế giá linh hoạt để thu hút nhiều mặt hàng. Trong khi, tại các đích đến Trung Á, Tây Á, châu Âu, đường sắt tồn tại được là nhờ hàng quá cảnh, đang có các chính sách giá cước ưu đãi, là cơ hội vận chuyển nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu với chi phí, thời gian hợp lý.

Nguồn: Báo Nhân dân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here